Visitor Tracking
CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - ĐÔ THỊ
Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Bản Tuyên ngôn độc lập ngắn gọn nhưng chứa đựng những giá trị lịch sử to lớn, không chỉ có ý nghĩa đối với dân tộc Việt Nam, mà còn mang tính thời đại sâu sắc.
Khẳng định quyền dân tộc và quyền con người luôn gắn bó chặt chẽ với nhau
Trước hết, Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định quyền dân tộc và quyền con người luôn gắn bó chặt chẽ với nhau bằng việc luận dẫn những lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn lời hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng thế giới là có dụng ý sâu sắc. Bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ ra đời sau khi nước Mỹ đấu tranh giành độc lập thành công. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền cũng ra đời trong chiến thắng của cách mạng Pháp, cuộc cách mạng của những thị dân và nông dân chống áp bức, bất công. Lời lẽ của hai bản Tuyên ngôn trên tự thân đã nêu lên những chân lí và là kết quả của những cuộc cách mạng có tính chất tiên phong ở những nước có ảnh hưởng lớn trên thế giới, khiến cho không ai có thể phủ nhận tính đúng đắn của chúng.
Tuy nhiên, nếu như bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp chỉ đơn thuần đề cập đến quyền con người như một sự tất yếu của tạo hóa thì Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng trí tuệ mẫn tiệp, bằng sự trải nghiệm thực tế và qua thực tiễn cách mạng Việt Nam đã phát triển sáng tạo, đưa ra một mệnh đề không thể phủ nhận về quyền độc lập của mọi dân tộc: “Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Hồ Chí Minh đã đi từ khái niệm “con người” sang khái niệm “dân tộc” một cách tổng quát và đầy thuyết phục, khẳng định quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người và ngược lại, thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc.
Tuyên bố nước Việt Nam “đã thành một nước tự do độc lập”
Trước khi đưa ra lời tuyên bố, bằng lời lẽ đanh thép, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần bộ mặt dối trá và phản bội của thực dân Pháp “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”.
Người đã liệt kê ngắn gọn và đầy đủ những tội ác mà thực dân Pháp đã gây ra cho nước ta trong suốt hơn 80 năm đô hộ: về chính trị, “chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do, dân chủ nào…”; về kinh tế, “chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. chúng cướp không hầm mỏ, ruộng đất, nguyên liệu…”; đồng thời khẳng định sức mạnh đoàn kết của nhân dân cả nước đã “nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Đây là kết quả của cả một quá trình đấu tranh đầy gian khổ, khó khăn, đầy máu và nước mắt.
Tiếp theo đó, đại diện cho chính phủ lâm thời của nước Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố “thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam” và tin tưởng đồng thời khẳng định “các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.” Tác giả tự hào nêu cao truyền thống anh hùng bất khuất chống thực dân, chống phát xít dân tộc ta và khẳng định: "Dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!".
Kết thúc bản Tuyên ngôn độc lập là một lời tuyên bố mang ý nghĩa lịch sử như một lời thề thiêng liêng, thể hiện sâu sắc khát vọng độc lập, tự do của nhân dân ta, biểu thị quyết tâm và sức mạnh Việt Nam: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Có thể thấy, không chỉ mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập tự do, bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là sản phẩm của sự kết hợp các giá trị của truyền thống anh hùng, bất khuất và ý chí độc lập dân tộc của Việt Nam với sứ mệnh cao cả của giai cấp vô sản được đề cập trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (năm 1848). Nó thể hiện rõ nét cách mạng Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của cách mạng thế giới và giai cấp vô sản Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của giai cấp vô sản thế giới, có sứ mệnh lịch sử cao cả và vĩ đại là giải phóng dân tộc và nhân loại.
Bản Tuyên ngôn cũng cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có tầm nhìn xa về sự phát triển của lịch sử, có những dự báo thiên tài về tương lai của cách mạng cũng như quá trình hội nhập sâu rộng của cách mạng Việt Nam vào phong trào cách mạng thế giới.
Trong suốt 76 năm qua, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện lời thề thiêng liêng trong ngày Lễ độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Với tinh thần đó, cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã giành được những thành tựu to lớn trong đấu tranh thống nhất đất nước và trong công cuộc đổi mới.
Năm tháng sẽ qua đi, nhưng tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam, không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn cao cả về quyền con người, quyền của dân tộc được sống trong độc lập, tự do như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ấp ủ và cống hiến cả cuộc đời mình để thực hiện.
Nguồn: Trang TTĐT Tổng hợp Ban Nội chính Trung ương